Thể loại

Thứ Sáu, 8 tháng 12, 2023

Tất Định

Biến ngẫu nhiên có cái tất nhiên Trong xác định chứa phần bất định Mặt hồ lặng còn lăn tăn sóng Biền gầm gào chợt phút lặng yên Trái đất to tựa như hạt bụi Tấm lòng con lại rộng vô bờ Trăm năm dài qua như khoảnh khắc Một giây ngắn lan toả ngàn năm Hallstatt 2023



Thứ Tư, 6 tháng 12, 2023

English translation of the poem "If"

 "If" in life is possible, my love

What would we do?

If to avoid the abyss of despair

Desperate feeling from breaking up


If so, I'd never tasted life's sweet nectar,

The pinnacle of love, affection's vector,

You and I together, forgot about the world

We became one in a lasting moment


In this realm of "ifs," my dearest, so true,

Could we mend naivety, erase the foolish hue?

Let our entwined paths forevermore entwine,

Rebuild the castle, where love's embers shine.


Crazy in love will not lead mistakes

Don't let a mistake turn into separation

Together we'd kneel, our spirits aligned,

What else, my love, could our hearts entwined?


I was lost in folly, a bewildered fool,

Love's madness, a heart's poignant, aching tool.

Yet still, I'd choose the paths where our lives cross,

Meet, like, love, obsession, fight, hurt, separate.


Knowing life's road is one-way, no turning back

With pleas and cries, we cannot alter fate,

But I have to move on, there's a long road ahead

At the end, perhaps our souls may belong to each other again



Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2023

Làm chủ làm thuê

Ngày cuối năm dông dài với một bạn trẻ về làm chủ và làm thuê. Các bạn trẻ đa phần đều nghĩ mình đang đi làm thuê và mong muốn sau này làm chủ. Muốn gì thì trước hết phải hiểu đúng về cái mình nhắm đến.

Làm chủ, làm thuê là những khái niệm có tính tương đối. Một ông "chủ" công ty thì cũng đi làm "thuê" cho các nhà đầu tư, ngân hàng và khách hàng. Làm thuê cho các đối tượng này còn khắc nghiệt hơn nhiều, lơ mơ cũng ra đường. 

Một người công nhân cũng có thể làm "chủ". Anh làm chủ công việc mình được giao, tự đặt mục tiêu làm sao để những công việc lặp lại, nhàm chán được hoàn thành nhanh hơn, chất hơn. Anh không ngừng học hỏi và trau dồi kỹ năng, qua vài năm những kỹ năng mà anh tích luỹ được sẽ làm anh có giá trị với sếp và tổ chức. Nếu sếp anh và tổ chức không nhận ra điều đấy, với sự trưởng thành của mình, anh hoàn toàn có thể tìm đến một nấc thang cao hơn ở đâu đó. Hơn hết, anh không cần phải chờ đợi để đạt được một cái gì đấy sau vài năm, với thái độ làm chủ, anh sẽ có ngay những trải nghiệm tối ưu trong công việc như tôi đã đề cập trong bài viết "Thăng hoa trong công việc".

Nếu anh đi làm công ăn lương với tâm thế làm chủ, ai nhờ, ai giao việc gì, mình đã nhận thì tận tâm như đó là việc của chính mình, với tâm thế đấy anh sẽ phải động não, học hỏi, suốt ruột khi việc chưa xong. Trí lực của anh sẽ tăng lên từng ngày và chỉ sau một thời gian, anh sẽ trở thành một phần khó thay thế trong chuỗi giá trị của tổ chức mà anh là thành viên. Thực ra đừng nhìn theo góc độ làm chủ làm thuê, mà nên nhìn theo góc độ tạo ra giá trị gia tăng.

Sợ anh bạn trẻ nghĩ tôi là chủ tịch nên mới "dụ dỗ" đám trẻ như vậy. Tôi kể cho anh bạn về những trải nghiệm của tôi ngày còn trẻ dại. 

Thời sinh viên, mấy thằng cùng giảng đường muốn tham gia thi Robocon mùa hai, bắt đầu tập hợp thành một nhóm. Chẳng ai muốn đứng đầu vì phải lo nhiều việc "không đâu", mà team không ai đứng đầu thì dễ tan. Tôi xông lên nhận trách nhiệm "chủ xị". Với team sinh viên thì việc khó nhất là không tan. Anh em thường lúc đầu rất hào hứng nhưng tinh thần dễ xẹp. Làm Robocon ròng rã cả năm lại càng dễ nản. Giải quyết bài toán kỹ thuật thế nào? Tiền đâu? Lúc nản chí thì làm sao giữ được niềm tin? Tôi nhận làm "binding factor". Loanh quanh cũng vào được đến vòng cuối, xin tài trợ bên ngoài, tổng được 20 triệu, còn lại do ngân hàng Bu Ta Chi là chính. Vì chuyến làm "chủ" này, tôi đã phải "hy sinh" một tình yêu đẹp, mà thật ra tình yêu đẹp cho tôi hy sinh.

Sang học bên Hàn, năm thằng ở chung một nhà. Chuyện thuê nhà, ăn ở, vệ sinh trật tự ra sao? Không khéo nhà thành ổ chuột. Tôi lại xông lên "vác tù và hàng tổng", đặt ra luật lệ và cơ chế thi hành. Chia công việc trong nhà thành mấy mảng. Nấu ăn rửa bát, hai thằng không biết nấu xung phong rửa bát, luôn phiên theo ngày. Nấu ăn mất thời gian hơn, 3 thằng sẽ luân phiên nhau. Đến phiên thằng nào thằng đấy phải đảm bảo anh em có ăn, nếu bận thì phải có trách nhiệm bố trí người thay thế. 

Giữ vệ sinh nhà cửa mới là việc khó, luân phiên theo tuần. Mình làm 1 cái lịch để trước của, miếng nam châm ở ô thằng nào là đến lượt thằng đấy. Làm kiểu này dễ sinh "khôn lỏi", tuần phiên mình thì dọn qua qua, để tuần sau thằng khác dọn. Mình đề xuất cơ chế, có "check list" cho các đầu mục dọn, những thằng không phải phiên mình được phép giám sát và "phê bình" thoải mái, yêu cầu thằng dọn làm có chất lượng và kịp thời. Cơ chế này tạo một lực đẩy đi lên, các anh chưa đến lượt cũng chỉ "phê bình" vừa phải vì rồi sẽ đến lượt anh. Anh đến lượt cũng phải chịu khó làm tử tế để lần sau mới đủ tư cách đi phê bình thằng khác.

Việc chi tiêu ăn uống còn nhạy cảm hơn, dễ xảy ra mâu thuẫn. Mình đề xuất cơ chế đơn giản, ai thích ăn gì, uống gì cứ chủ động mua để vào tủ lạnh dùng chung. Tuy nhiên những thứ mình mua phải đảm bảo không để quá lâu. Hoá đơn lưu lại, cuối tháng chia trung bình. Thằng nào chi hơn trung bình thì được nhận tiền của những thằng chi dưới trung bình. Tất nhiên cơ chế này chỉ hoạt động khi mức học bổng của mấy thằng cao hơn so với mức sinh hoạt phí. Cơ chế và vận hành như vậy, nên anh em sống vui vẻ, thân ái. Bố trí hợp lý và cơ chế phù hợp là nền tảng cốt lõi của một tổ chức.

Ra trường đi làm, mình vẫn luôn với tâm thế làm chủ và hợp tác. Làm cho Panasonic R&D, đến lúc báo nghỉ, bác tổng giám đốc mời đến nhà ăn cơm để "níu kéo". "Tao thấy mày mới làm có mấy tháng nhưng lúc nào cũng chủ động, biết định hướng chung mà tự mày mò, thôi ở lại đi, ở đây không gian phát triển còn nhiều". Mình nghĩ "thôi em xin". Văn hoá Nhật hơi bó buộc không phù hợp với tạng của mình. 

Làm PhD thì không phải kể vì có thằng khác trả tiền để mình theo đuổi nghiên cứu của chính mình thì cũng không phải là tình thế để có tâm lý làm thuê.

Sang đến Genexis, công ty mình tham gia từ lúc gần như trứng nước và gắn bó đến tận ngày nay, mình bắt đầu vẫn là "làm thuê", sau này có tham gia "làm chủ" nhưng vẫn tách bạch với phần làm công ăn lương. Với tâm thế làm chủ, mình nhận nhiệm vụ và tự mày mò gây dựng nền tảng kỹ thuật từ đầu một dòng công nghệ mà đến bây giờ nó là dòng công nghệ đem lại nhiều doanh thu nhất cho tập đoàn. Làm "thuê" hay đến mức được vời vào làm "chủ". Cho trước khi nhận. Giá trị lớn nhất của mình ở công ty là "đi hứa", mình dám hứa những vấn đề kỹ thuật phức tạp và rủi ro, những cái mình hứa trước nay đều xong, không cách này thì cách khác. Làm thuê đạt đến mức chẳng ai quản mình ở đâu và làm gì, lương vẫn nhận đều là do vẫn tạo ra giá trị lớn cho công ty. Làm thuê mức độ thượng thừa là từ tâm thế làm chủ mà ra. 

Trong lúc đi làm công ăn lương, các bạn trẻ hay mơ về làm chủ. Tại sao các bạn lại không nghĩ rằng ngay lúc này, các bạn hoàn toàn có thể làm chủ, làm chủ về giờ giấc, làm chủ công việc được giao, làm chủ cả những thứ không được giao nhưng cần cho tổ chức. Qua mỗi ngày các bạn sẽ tích luỹ được kỹ năng, kiến thức và biết tạo ra giá trị để sau một thời gian các bạn sẽ sống và làm việc bằng chủ động lựa chọn của chính mình. Thực tế là những người đứng đầu làm việc còn vất hơn cả culi. Chỉ khác là sự vất vả này là do lựa chọn.

Living by choice and not by chance.



Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2022

Mãi đi tìm

Bao năm ta mãi đi tìm 

khắp trời biển năm châu 

trong vội vã dòng đời

giữa sâu lắng riêng ta

tìm gì tên chẳng biết

một nỗi buồn vô hạn?

một khoảnh khắc yêu thương?

 một ánh nhìn sắc nhọn?

một ấm áp bàn tay?

một nụ cười toả nắng?

một ngấn lệ run run?

một ồn ào bạn hữu?

một tĩnh lặng rừng thu?

một hụt hẫng bất ngờ?

một sôi trào thắng lợi?

một trải nghiệm tối ưu?

một đời cho chẳng nhận?

Düsseldorf 2022





Thứ Ba, 16 tháng 2, 2021

Thư Tình Gửi Hư Không

 Thư tình gửi hư không

                       4U


Thẫn thờ vo chặt thành viên

Búng đi dội lại muộn phiền to hơn

Sóng buồn lên xuống từng cơn

Lan ra biển nhớ cô đơn đêm ngày


Tình kia phải kiếp tù đày

Trời kia giả điếc khéo bày cuộc đua

Lâm râm pha tiếng chuông chùa

Ai đem duyên số ra đùa với ai


Trần ai ai biết đúng sai

Cân lên hạ xuống những hai ba lần

Chân thành ngại đám phù vân

Nhân gian sợ quả thánh thần sợ nhân




Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2021

Dại Khôn

Dại Khôn

Cuộc đời ai dở ai hay
Ai đem chốc lát để thay đường dài
Ai gieo ai gặt quả sai
Ai cho ai nhận nhầm vai xác hồn

Tình yêu ai dại ai khôn
Ai đem toan tính vẽ hồn mộng mơ
Ai chơi ai đứng làm cờ
Ai thua ai được lập lờ tỉnh say

Cuộc đời nhiều dở hoá hay
Quá hay lại dở đắng cay mắt buồn
Tình yêu cùng dại thành khôn
Hai khôn hoá dại vùi chôn cuộc tình

Tết Tân Sửu 2021



Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2021

Nữ Nhi Tình - Anh Hùng Chí

(Nữ Nhi Tình)

Uyên ương đôi bướm lả lơi

Vườn xuân sắc thắm hai người lầu văn 

Thẹn thùng xin hỏi thánh tăng

Người đây cảnh đấy đẹp chăng mắt ngài 

Vương quyền phú quý chẳng hoài

Thanh quy giới luật bỏ ngoài vườn xuân

Kiếp này xin một đặc ân 

Tu hành đổi áo minh quân ngai vàng

Thiếp xin trọn kiếp yêu chàng

Uyên ương thiếp thiếp chàng chàng bên nhau.

    *    *    *

(Anh Hùng Chí)

Vườn tình lặng bước bên nàng

Gió tình mơn nhẹ hai hàng tóc mai

Hương tình dẫn lối thiên thai

Tỉnh say cơn mộng thoáng hai bóng hình

Tiếng chuông xa lạnh giật mình

Chí trai khéo nhỡ sông tình hụt chân

Thanh bần đã ngấm vào thân

Kiếp này đã chót độ dân cứu đời

Thanh cao xin hẹn một lời

Kiếp sau trở lại rong chơi bên nàng.


Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2020

Nữ Nhi Tình

Trong Tây Du Ký, Trần Huyền Trang, Đường Tăng, phải trải qua 81 kiếp nạn mới lấy được chân Kinh. Thành chính quả không bởi vì đọc được chân Kinh mà vì những gì đã ngộ ra sau mỗi kiếp nạn. "Kiếp nạn" ở Tây Lương Nữ Quốc có vẻ là khó vượt qua nhất, Đường Tăng bản lĩnh cao cường, ấy vậy mà trước vẻ đẹp của nữ vương, mắt nhắm chặt, miệng niệm Phật mà mồ hôi vã ra như tắm. Chứng tỏ là tâm can đã không còn giữ được tĩnh lặng, một sự đấu tranh gay gắt đang diễn ra. Mắt mở thì chưa chắc đã thoát được "nạn" này. Đúng là anh hùng không sợ yêu quái, chỉ sợ mỹ nhân.

Dưới đây là bài thơ dựa theo ý bài hát Nữ Nhi Tình nói lên tâm sự của nữ vương. Sắp tới sẽ ra mắt bài Anh Hùng Chí là lời đáp của Đường Tam Tạng.


Uyên ương đôi bướm lả lơi

Vườn xuân sắc thắm hai người lầu văn 

Thẹn thùng xin hỏi thánh tăng

Người đây cảnh đấy đẹp chăng mắt ngài 

Vương quyền phú quý chẳng hoài

Thanh quy giới luật bỏ ngoài vườn xuân

Kiếp này xin một đặc ân 

Tu hành đổi áo minh quân ngai vàng

Thiếp xin trọn kiếp yêu chàng

Uyên ương thiếp thiếp chàng chàng bên nhau





Thứ Năm, 30 tháng 7, 2020

Mô Hình Kinh Doanh Trong Xuất Bản Báo Khoa Học

Gần đây có nhiều thảo luận về các tờ báo săn mồi (predatory journals), nhiều tên tờ báo cụ thể được đưa ra, tạo nên những cuộc tranh luận sôi nổi từ phê phán gay gắt đến bảo vệ bằng được. Mọi thứ tồn tại đều có logic của nó, tôi muốn đề cập đến cái logic đằng sau này thay vì tập trung vào những tờ báo cụ thể. 

Làm nghiên cứu phát triển ở công ty, cho tôi cách nhìn của một "con buôn", mọi thứ đều là một thương vụ (everything is a business case). 

Mô hình xuất bản báo truyền thống là người đọc phải trả tiền, trả qua từng bài báo hay thuê bao. Thông thường các trường, viện nghiên cứu, và công ty lớn ở các nước phát triển đều trả tiền thuê bao hàng năm cho các thư viện lớn. Máy tính từ mạng nội bộ của các tổ chức này sẽ được quyền truy cập vào kho thư viện. Những trường viện và công ty tôi từng làm việc kể cả Panasonic R&D ở Việt Nam đều có thể truy cập IEEE Explorer, là một thư viện lớn tập trung hầu hết tờ báo uy tín trong ngành điện điện tử. Phí thuê bao là nguồn thu nhập chính của các báo khoa học, nó đến từ nguồn chi thường xuyên của các tổ chức nghiên cứu. Trong một thời gian dài đến đầu những năm 2000. Các tổ chức rất rộng rãi trong việc thuê bao, nhưng khi có khủng hoảng kinh tế, mọi chí phí đều bị cắt giảm. Chỉ có thuê bao với những thư viện uy tín là được giữ lại, còn lại bị cắt hết. Các tờ báo kém uy tín phải tìm cách thay đổi mô hình kinh doanh, nếu không sẽ chết. 

Mô hình truy cập mở (open access) được ra đời từ khá lâu, với mục tiêu ban đầu rất trong sáng là muốn phá bỏ rào cản (trả tiền để truy nhập) trong việc tiếp cận kiến thức. Ban đầu mô hình này được phát triển khá khiêm tốn nhưng nở rộ mạnh mẽ trong chục năm trở lại đây. Nhiều người đã nhận ra đây là một mô hình kiếm tiền rất tốt. Thay bởi vì người đọc phải trả tiền thì người đăng phải trả tiền. Thay vì hút tiền từ ngân quỹ chi thường xuyên đang teo dần thì cái vòi hút chọc trực tiếp vào ngân quỹ của các đề tài khoa học (tác giả không ai bỏ tiền túi ra mà đều lấy từ ngân quỹ của các dự án). Mà ngân quỹ của các dự án khoa học, nhất là các dự án được ngân sách nhà nước tài trợ, rất lớn và tăng rất nhanh, nhất là ở các nước đang phát triển mạnh. 

Đấy mới chỉ là bên vế cung, vế cầu cũng phải lớn thì mô hình này mới phát triển mạnh như vậy. Những nước chập chững làm khoa học đều dựa nhiều vào số lượng bài báo để đánh giá thành công của đề tài khoa học có nguồn tài trợ công. Thế là nhà nhà người người tìm cách đăng báo, nhanh nhiều tốt rẻ. Có nhiều báo là dự án thành công, có nhiều báo là có học hàm học vị, có nhiều báo là sẽ nhận được nhiều tài trợ hơn, quá nhiều cái lợi. Mục đích tối hậu của dự án là có báo đăng? Thế nên có cầu ắt có cung, nhiều tờ báo săn mồi ra đời. 

Chưa tính đến những tờ báo mang những tên lạ hoắc. Thử nhìn vào những chỗ rất uy tín như Nature Communications của Springer, đặt một vài phép tính nhanh để thấy lợi nhuận ra sao. Đăng một bài báo ở đây khoảng $4000,  năm 2019 có tổng cộng 55233 bài, doanh thu như vậy là khoảng $220 triệu.  Chi phí để vận hành bộ máy thì không đáng là bao, thuê vài máy chủ là đủ hạ tầng, reviewers thì thường là tình nguyện, chi phí lớn nhất là trả những mức lương khủng cho ban điều hành. Mô hình kinh doanh siêu lợi nhuận. Thế nên có những nhà xuất bản lạ hoắc cũng kiếm ăn theo cách dù không bộn tiền như Springer. Do đó đã có nhiều lời kêu gọi tẩy chay open access. 

Nhiều công ty cấm đăng báo ở open access và nhiều trường viện lớn đều không khuyến khích. Thực tế mỗi ngành đều có một vài tờ báo đầu ngành. Nếu ông nào nghiên cứu nghiêm túc, có chất lượng thì cứ chỗ đấy mà đăng việc gì phải đăng ở open access cho tốn tiền. Chả phải lý luận loanh quanh, chẳng qua là những chỗ đấy nộp nó mới nhận, nó nhận bài để lấy tiền thì nó chối làm gì. Đó là logic lợi ích hiển nhiên.

Thế nên những thư mời đăng báo từ nhà xuất bản lạ hoắc là tôi cho vào ngay spam, thư mời review hay làm editor cho open access lạ là tôi cũng reject luôn, không tiếp tay.

Cũng phải nói cho công bằng là vẫn có những tờ open access nghiêm chỉnh, muốn biết nghiêm chỉnh hay không thì xem có hiệp hội nghề nghiệp uy tín nào đứng đằng sau, ai trong ban editors, ai đăng báo ở đấy, chất lượng bài đã đăng thế nào, thu phí thế nào, có hoạt động phi lợi nhuận không, v.v. 

Với những bạn mới làm khoa học, các bạn bỏ chút thời gian để đặt câu hỏi và trả lời thành thật với chính mình "Đăng báo để làm gì? Why?". Nếu có nguỵ biện thì xin nguỵ biện với người khác, đừng nguỵ biện với chính mình.

Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2020

Lại Bàn Về Trường Chuyên Lớp Chọn

Mấy ngày gần đây lại rộ lên thảo luận về trường chuyên lớp chọn, rất sôi nổi. Câu chuyện về chuyên chọn cứ vài năm lại rộ lên từ hàng chục năm nay rồi mà cuối cùng thì không bỏ được mà tình hình có vẻ xấu đi. 

Tỉnh thành nào cũng có trường chuyên và nhiều học sinh ở đó là con em quan chức tỉnh nhà. Có vẻ đó là hướng đi theo lẽ tự nhiên khi bố mẹ nào cũng muốn con mình có điều kiện học tập tốt nhất. Không cần thành lập thì cũng có "hội phụ huynh quan chức", giúp đỡ con mình và hỗ trợ nhau. "Con tớ và mấy đồng chí nữa sắp vào cấp 3, ta phải có dự án đầu tư mạnh cho cơ sở vật chất cho trường chuyên tỉnh nhà. Làm sớm đi, sắp tới còn con cậu nữa." Chả thế mà trường chuyên các nơi được nhiệt tình đầu tư với mác đào tạo nhân tài, càng dẹp lại càng thấy phát triển mạnh. Rồi các hoàng tử công chúa con lại quay vòng để trở thành các quan chức sau này. Rất tác hại. Đây là một hình thức tham nhũng tinh vi. Nhìn thử các học sinh được nâng điểm trong hai vụ Sơn La, Hoà Bình nhiều em từ những trường như thế ra cả.

Vậy có khi nên dẹp hết trường chuyên đi? Chả dẹp được nếu không phá vỡ cái logic đằng sau nó. Không chuyên thì cũng sẽ nẩy ra các hình thức khác để các quan chức lấy nguồn lực nhà nước đầu tư cho con em mình. Thế thì phải tìm cách phá vỡ cái logic đầu tư công bẩn đó để trường chuyên trở lại với mục đích tốt đẹp vốn có của mình. Một mặt phải coi đây là hình thức tham nhũng để Đảng ra tay, ông nào chạy chọt cho con mà bị phát hiện thì kể cả "không liên quan" thì cũng cứ áp kỷ luật Đảng. Pháp luật chính quyền còn cần bằng chứng này nọ khó hơn. Phải có cơ chế tuyển chọn chặt chẽ và công khai để học sinh vào học là do năng lực chứ không phải do quan hệ và kinh tế của bố mẹ. Cái này phải có cơ chế thống nhất từ bộ áp xuống chứ để các ông địa phương làm thì lại vừa đá bóng vừa thổi còi. Có thế hệ thống trường chuyên mới dần trở về với mục đích vốn có.

Dù có trở về được với mục đích vốn có. Nhiều ý kiến cho rằng đây là sự không công bằng nên dẹp quách nó đi. Giáo dục ta chỉ giỏi nuôi gà chọi. Gà chọi cũng quan trọng lắm chứ. Mỗi con người đều có những năng lực khác nhau. Cùng một mức học thì có người thấy quá khó cũng chán học, có người thấy quá dễ cũng chán học. Thế nên cần phải phân loại ra thì mới tạo ra môi trường cho học sinh phát huy được hết tiềm năng của mình. Việc phân loại theo học lực thì rõ ràng không nên bắt đầu ở cấp học dưới mà chỉ nên bắt đầu ở cấp 3 hoặc cùng lắm là cấp 2. Phân loại không có nghĩa là tập trung đầu tư cho một phía mà đầu tư cho mỗi nhóm theo những cách khác nhau. Công bằng không có nghĩa là cào bằng mà là tạo cơ hội tuỳ theo sở thích, năng lực, và quyết tâm của người học không phân biệt giàu nghèo hay nguồn gốc.

Mỗi một nước có những chính sách giáo dục khác nhau phù hợp với xã hội và điều kiện kinh tế. Mình giờ có thêm trải nghiệm với hệ thống giáo dục của Hà Lan vì hai đứa con nhà mình học ở đây. Nó cho mình một góc nhìn khác về giáo dục. Ở Hà Lan, mục tiêu đầu tiên cho trẻ con bắt đầu đi học là cho trẻ thích đến trường. Trẻ con bắt đầu đi học cấp một ngay sau sinh nhật 4 tuổi. Hai năm đầu học bằng cách chơi, không "nghiêm túc" tí nào. Trường cấp 1 nhỏ nhưng bố trí dày đặc quanh khu dân cư, ở thành phố thì trong bán kính 2 km thì chí ít phải tìm thấy một trường. 2 km quanh nhà mình có đến 4 trường tiểu học. Thế nên trẻ con các lớp lớn đều có thể tự đi học. Học cùng trường là vì nhà quanh đấy. Các trường đều không phải là trường nhà nước mà thường là của các tổ chức phi lợi nhuận. Nhà nước "đóng học phí" hộ bố mẹ cho các trường. Nên trường nhận kinh phí tỉ lệ theo đầu học sinh. Trường sẽ nhận được thêm một khoản cho các học sinh đến từ các gia đình mà bố mẹ bằng cấp thấp hay có những khó khăn trong việc học. Lý do là những học sinh này cần nhiều sự quan tâm dạy dỗ ở trường hơn. Trường cũng lo luôn sách vở bút giấy. Nhà giàu hay nghèo thì không thể hiện được gì ở trường. Mục tiêu là tạo cơ hội công bằng trong giáo dục cho trẻ em.

Cấp 1 thì không có lớp chọn nhưng các bạn học nhỉnh hơn thì sẽ được làm thêm sách nâng cao và hàng tuần được tách ra một buổi để học thêm những cái khác. Những bạn nào kém hơn một chút cũng được quan tâm phù đạo thêm. Mục đích là để các cháu thích đến trường, để từ đó thích học. Dậy kiến thức thì không nặng học nhiều lý thuyết cao siêu mà nặng kỹ năng và thực hành. Ví dụ, học toán thì cài vào học cách tiêu tiền. Học và thực hành luật giao thông ở ngoài đường. Trong việc dạy cụ thể thì các trường cũng khác nhau. Có nhiều triết lý giáo dục, các trường đều nói rõ họ theo triết lý giáo dục nào. Triết lý tự do nhất thì trẻ con đến trường được tự quyết định nhiều thứ, cả việc hôm nay học gì, cô giáo có nhiệm vụ chạy theo hướng dẫn thêm. Triết lý tự do không được nhiều phụ huynh chọn, mình đến thăm một trường như vậy trong quá trình chọn trường cho con, nhìn thấy trẻ con rất năng động, tự tổ chức lớp học, nhưng nó xa với cái căn Việt nam của mình quá nên không dám chọn. Các trường được chủ động cách dậy nhưng mỗi năm học sinh làm hai lần bài thi chuẩn quốc gia và kết quả được vẽ lên đồ thị. Đồ thị của con mình không đứng một mình là được đặt cạnh các đường tiêu chuẩn theo thông kê kết quả toàn quốc. Mình sẽ biết con mình nằm trong phân khúc nào trong cái thông kê này. Mỗi năm học sẽ cho 2 điểm trên đồ thị và mỗi môn là một đồ thị. 

Thầy cô cũng không chịu áp lực từ phụ huynh và nhà trường nên điểm thi tương đối trung thực. Mà thấp quá hay cao quá bất thường là có thanh tra đến ngay. Nếu thấp quá mà thanh tra xong có khi trường sẽ được đầu tư thêm. Việc ở lại lớp ở đây là bình thường. Có lần cô muốn con mình vào nhóm học nâng cao, cô phải viết thư hỏi xem phụ huynh có muốn cho con mình học nâng cao không, vì sẽ ít thời gian chơi hơn. Mình sống ở đây bao năm mà vẫn bất ngờ, tư tưởng của mình vẫn là đánh xuống thì mới phải bàn, còn đánh lên ai chả nhận. Thế mà ở đây có nhiều phụ huynh không muốn nhận. Quan điểm phụ huynh và xã hội ảnh hưởng rất nhiều đến hệ thống giáo dục. 

Ở đây không có họp phụ huynh đại trà mà chỉ họp riêng từng nhà, con nhà nào biết nhà nấy. Cứ nhớ hồi xưa bố mình đi họp phụ huynh về là rất sợ vì thường mình bị nhắc nhở nhiều. Giờ mình mới nhận ra đấy là hình thức "đấu tố" với cả phụ huynh và học sinh. Đồng nghiệp bạn bè cũng không bao giờ lôi chuyện con mình ra khoe hay hỏi về con người khác. Mọi người đều ý thức được rằng trẻ con có năng lực khác nhau và tốc độ phát triển khác nhau. 

Tuỳ năng lực học sinh (dựa vào điểm số các năm và đánh giá của thầy cô), học sinh sẽ được phân luồng ngay sau khi học xong cấp 1 (cấp 1 có 8 lớp). Có ba luồng chính là từ luồng học nghề, luồng đại học thực hành, và luồng đại học hàn lâm. Những bạn đi học nghề có khi 17 tuổi đã có thể đi làm, không phải phí thêm mấy năm học vô bổ. Học sinh sẽ phải vào 1 trong 3 luồng này theo kết quả học tập. Trong mỗi luồng sẽ có các nhánh nhỏ thì học sinh sẽ chọn tuỳ theo sở thích của mình. Việc phân luồng từ 12 tuổi cũng nhận được nhiều chỉ trích, chẳng hạn như có trẻ bộc lộ khả năng muộn, để giải quyết việc này thì việc chuyển luồng lên xuống có thể xảy ra tuỳ theo kết quả học tập ở các năm tiếp theo. Nhưng theo thống kê thì không nhiều.

Hệ thống giáo dục như vậy nhưng vẫn có nhiều phàn nàn chỉ trích. Một trong những chỉ trích thường được nói đến là học sinh kém chịu áp lực, sau này ra đời dễ bị stress. Phương Tây có một bệnh hay gặp trong lực lượng lao động gọi là burnout (bệnh tâm lý mất hết năng lượng và động lực làm việc). Mình vẫn hay nói đùa với đồng nghiệp tao hơi bị khó burnout vì có burnout thì tao đã bị từ khi thi đại học 1 chọi 10 ở Việt nam rồi. Việt nam chắc cũng có burnout ở học sinh và người lao động nhưng xã hội chưa để ý. Nhìn chung thì mình thấy mọi người ở đây đều thoải mái với con đường mình chọn vì họ hiểu năng lực của mình và họ thích những việc họ làm.

Việt Nam có một hệ thống giáo dục tốt so với trình độ phát triển, mình mài đũng quần 12 năm phổ thông và 5 năm ĐH ở Việt nam. Ra thế giới thì mình thấy mình cũng không kém gì. Những năm sau này thì mình thấy nhiều cái còn tốt hơn hồi mình học nhưng cũng có nhiều cái xấu đi. Mình sợ nhất khẩu hiệu "xã hội hoá giáo dục". Tinh thần thì đúng nhưng thực hiện thì theo kiểu nhà nước buông nhân dân mạnh ai nấy lo. Trẻ con nhà có tiền giờ tập trung vào một số trường. Học sinh cấp một học cùng nhau là do điều kiện kinh tế của bố mẹ như nhau. Cái này có nhiều cái xấu hơn là tốt. Trẻ con sẽ có cái nhìn hẹp hơn. Đi lên XHCN mà xã hội ngày càng phần lớp phân tầng trong giáo dục và y tế. Thế hình như là đi xuống.

Nhà nước nên tạo điều kiện cho xã hội tham gia nhưng khuyến khích các tổ chức phi lợi nhuận, tạo điều kiện về đất đai, mục tiêu cuối cùng là phải tạo cơ hội công bằng trong giáo dục cho trẻ em bất kể giàu nghèo, xuất thân, vùng miền. Chương trình thì tuỳ trường nhưng đánh giá thì thống nhất. Nhận thức của xã hội cũng sẽ tự dần thay đổi khi thấy rằng thành tích ảo thì sẽ lĩnh hậu quả nặng nề. Những học sinh điểm số giỏi mà ra đời vẫn dựa dẫm bố mẹ, xin việc cũng phải cậy nhờ, bằng cấp đầy mình nhưng  chẳng ai nhận, khổ mình, khổ bố mẹ, và khổ cả xã hội.