Ngày cuối năm dông dài với một bạn trẻ về làm chủ và làm thuê. Các bạn trẻ đa phần đều nghĩ mình đang đi làm thuê và mong muốn sau này làm chủ. Muốn gì thì trước hết phải hiểu đúng về cái mình nhắm đến.
Làm chủ, làm thuê là những khái niệm có tính tương đối. Một ông "chủ" công ty thì cũng đi làm "thuê" cho các nhà đầu tư, ngân hàng và khách hàng. Làm thuê cho các đối tượng này còn khắc nghiệt hơn nhiều, lơ mơ cũng ra đường.
Một người công nhân cũng có thể làm "chủ". Anh làm chủ công việc mình được giao, tự đặt mục tiêu làm sao để những công việc lặp lại, nhàm chán được hoàn thành nhanh hơn, chất hơn. Anh không ngừng học hỏi và trau dồi kỹ năng, qua vài năm những kỹ năng mà anh tích luỹ được sẽ làm anh có giá trị với sếp và tổ chức. Nếu sếp anh và tổ chức không nhận ra điều đấy, với sự trưởng thành của mình, anh hoàn toàn có thể tìm đến một nấc thang cao hơn ở đâu đó. Hơn hết, anh không cần phải chờ đợi để đạt được một cái gì đấy sau vài năm, với thái độ làm chủ, anh sẽ có ngay những trải nghiệm tối ưu trong công việc như tôi đã đề cập trong bài viết "Thăng hoa trong công việc".
Nếu anh đi làm công ăn lương với tâm thế làm chủ, ai nhờ, ai giao việc gì, mình đã nhận thì tận tâm như đó là việc của chính mình, với tâm thế đấy anh sẽ phải động não, học hỏi, suốt ruột khi việc chưa xong. Trí lực của anh sẽ tăng lên từng ngày và chỉ sau một thời gian, anh sẽ trở thành một phần khó thay thế trong chuỗi giá trị của tổ chức mà anh là thành viên. Thực ra đừng nhìn theo góc độ làm chủ làm thuê, mà nên nhìn theo góc độ tạo ra giá trị gia tăng.
Sợ anh bạn trẻ nghĩ tôi là chủ tịch nên mới "dụ dỗ" đám trẻ như vậy. Tôi kể cho anh bạn về những trải nghiệm của tôi ngày còn trẻ dại.
Thời sinh viên, mấy thằng cùng giảng đường muốn tham gia thi Robocon mùa hai, bắt đầu tập hợp thành một nhóm. Chẳng ai muốn đứng đầu vì phải lo nhiều việc "không đâu", mà team không ai đứng đầu thì dễ tan. Tôi xông lên nhận trách nhiệm "chủ xị". Với team sinh viên thì việc khó nhất là không tan. Anh em thường lúc đầu rất hào hứng nhưng tinh thần dễ xẹp. Làm Robocon ròng rã cả năm lại càng dễ nản. Giải quyết bài toán kỹ thuật thế nào? Tiền đâu? Lúc nản chí thì làm sao giữ được niềm tin? Tôi nhận làm "binding factor". Loanh quanh cũng vào được đến vòng cuối, xin tài trợ bên ngoài, tổng được 20 triệu, còn lại do ngân hàng Bu Ta Chi là chính. Vì chuyến làm "chủ" này, tôi đã phải "hy sinh" một tình yêu đẹp, mà thật ra tình yêu đẹp cho tôi hy sinh.
Sang học bên Hàn, năm thằng ở chung một nhà. Chuyện thuê nhà, ăn ở, vệ sinh trật tự ra sao? Không khéo nhà thành ổ chuột. Tôi lại xông lên "vác tù và hàng tổng", đặt ra luật lệ và cơ chế thi hành. Chia công việc trong nhà thành mấy mảng. Nấu ăn rửa bát, hai thằng không biết nấu xung phong rửa bát, luôn phiên theo ngày. Nấu ăn mất thời gian hơn, 3 thằng sẽ luân phiên nhau. Đến phiên thằng nào thằng đấy phải đảm bảo anh em có ăn, nếu bận thì phải có trách nhiệm bố trí người thay thế.
Giữ vệ sinh nhà cửa mới là việc khó, luân phiên theo tuần. Mình làm 1 cái lịch để trước của, miếng nam châm ở ô thằng nào là đến lượt thằng đấy. Làm kiểu này dễ sinh "khôn lỏi", tuần phiên mình thì dọn qua qua, để tuần sau thằng khác dọn. Mình đề xuất cơ chế, có "check list" cho các đầu mục dọn, những thằng không phải phiên mình được phép giám sát và "phê bình" thoải mái, yêu cầu thằng dọn làm có chất lượng và kịp thời. Cơ chế này tạo một lực đẩy đi lên, các anh chưa đến lượt cũng chỉ "phê bình" vừa phải vì rồi sẽ đến lượt anh. Anh đến lượt cũng phải chịu khó làm tử tế để lần sau mới đủ tư cách đi phê bình thằng khác.
Việc chi tiêu ăn uống còn nhạy cảm hơn, dễ xảy ra mâu thuẫn. Mình đề xuất cơ chế đơn giản, ai thích ăn gì, uống gì cứ chủ động mua để vào tủ lạnh dùng chung. Tuy nhiên những thứ mình mua phải đảm bảo không để quá lâu. Hoá đơn lưu lại, cuối tháng chia trung bình. Thằng nào chi hơn trung bình thì được nhận tiền của những thằng chi dưới trung bình. Tất nhiên cơ chế này chỉ hoạt động khi mức học bổng của mấy thằng cao hơn so với mức sinh hoạt phí. Cơ chế và vận hành như vậy, nên anh em sống vui vẻ, thân ái. Bố trí hợp lý và cơ chế phù hợp là nền tảng cốt lõi của một tổ chức.
Ra trường đi làm, mình vẫn luôn với tâm thế làm chủ và hợp tác. Làm cho Panasonic R&D, đến lúc báo nghỉ, bác tổng giám đốc mời đến nhà ăn cơm để "níu kéo". "Tao thấy mày mới làm có mấy tháng nhưng lúc nào cũng chủ động, biết định hướng chung mà tự mày mò, thôi ở lại đi, ở đây không gian phát triển còn nhiều". Mình nghĩ "thôi em xin". Văn hoá Nhật hơi bó buộc không phù hợp với tạng của mình.
Làm PhD thì không phải kể vì có thằng khác trả tiền để mình theo đuổi nghiên cứu của chính mình thì cũng không phải là tình thế để có tâm lý làm thuê.
Sang đến Genexis, công ty mình tham gia từ lúc gần như trứng nước và gắn bó đến tận ngày nay, mình bắt đầu vẫn là "làm thuê", sau này có tham gia "làm chủ" nhưng vẫn tách bạch với phần làm công ăn lương. Với tâm thế làm chủ, mình nhận nhiệm vụ và tự mày mò gây dựng nền tảng kỹ thuật từ đầu một dòng công nghệ mà đến bây giờ nó là dòng công nghệ đem lại nhiều doanh thu nhất cho tập đoàn. Làm "thuê" hay đến mức được vời vào làm "chủ". Cho trước khi nhận. Giá trị lớn nhất của mình ở công ty là "đi hứa", mình dám hứa những vấn đề kỹ thuật phức tạp và rủi ro, những cái mình hứa trước nay đều xong, không cách này thì cách khác. Làm thuê đạt đến mức chẳng ai quản mình ở đâu và làm gì, lương vẫn nhận đều là do vẫn tạo ra giá trị lớn cho công ty. Làm thuê mức độ thượng thừa là từ tâm thế làm chủ mà ra.
Trong lúc đi làm công ăn lương, các bạn trẻ hay mơ về làm chủ. Tại sao các bạn lại không nghĩ rằng ngay lúc này, các bạn hoàn toàn có thể làm chủ, làm chủ về giờ giấc, làm chủ công việc được giao, làm chủ cả những thứ không được giao nhưng cần cho tổ chức. Qua mỗi ngày các bạn sẽ tích luỹ được kỹ năng, kiến thức và biết tạo ra giá trị để sau một thời gian các bạn sẽ sống và làm việc bằng chủ động lựa chọn của chính mình. Thực tế là những người đứng đầu làm việc còn vất hơn cả culi. Chỉ khác là sự vất vả này là do lựa chọn.
Living by choice and not by chance.