Có một ước mơ đã được nói đến từ những năm chín mươi của thế kỷ trước đó là Việt nam tự sản xuất được xe hơi (xe gia đình). Đây không phải là một tham vọng chín chắn mà chỉ là một ước mơ lãng mạn.
Gần đây nhân có thông tin về mẫu xe chưa hoàn thành của Vinaxuki, có nhiều quan điểm tỏ ra nuối tiếc về một ước mơ dang dở. Những cố gắng của Vinaxuki là đáng trân trọng nhưng đó là con đường không nên đi vào.
Sản xuất một mặt hàng trước hết phải nhìn từ thị trường. Thị trường cho ô tô thương hiệu Việt nam chắc chắn phải bắt đầu từ thị trường trong nước. Với tâm lý chuộng ngoại, đồng thời ô tô vẫn là thứ xa xỉ. Chắc rất ít người dân chọn ô tô thương hiệu Việt. Hơn nữa chất lượng chưa được thực tiễn kiểm chứng. Một hiện tượng tương tự được thể hiện qua xe Trung Quốc (TQ). Xe máy TQ giá rẻ đã có thể làm một cơn bão ở thị trường Việt nam nhưng ô tô TQ có xuất hiện nhưng không thể lặp lại lịch sử. Nếu tôi đã có 300 triệu đủ để mua ô tô TQ, đó là một số tiền lớn, tôi sẽ cố thêm một chút để có thể mua được ô tô Hàn Quốc. Với ô tô HQ tôi yên tâm hơn nhiều về số tiền lớn phải bỏ ra và "oai" hơn xe TQ xa.
Kể cả khi người Việt chọn dùng hàng Việt thì sản lượng cũng sẽ rất thấp. Một mẫu ô tô bình dân cần phải phải đạt được sản lượng cỡ khoảng 100000 xe một năm để có lãi (quy mô cả thị trường Việt nam là khoảng 150000 cho tất cả các loại xe ô tô). Không phải đơn giản là sản xuất ít thì lãi ít, phải cần một sản lượng nhất định để bù đắp chi phí phát triển. Quan trọng hơn, sản lượng cao sẽ làm có chi phí sản xuất trên đầu xe giảm và có được giá tốt từ các nhà cung cấp linh kiện. Trong trường hợp được nhà nước nâng đỡ trong giai đoạn đầu thì điểm hoà vốn có thể gặp ở sản lượng thấp hơn. Tuy nhiên với quy mô thị trường như vậy, để đứng vững khi nhà nước buông tay thì phải tiến ra các thị trường quốc tế.
Thị trường quốc tế đối với ô tô lại càng khắt khe. Các hãng xe TQ hay Ấn độ đã có thể sống tốt ở thị trường nội địa rộng lớn nhiều năm nhưng vẫn chưa thể bước ra thị trường nước ngoài. Ngoài thị hiếu và thương hiệu, việc quản lý chất lượng là rất khắt khe. Chỉ một sai lầm nhỏ trong quá trình phát triển hay sản xuất, các hãng xe phải triệu hồi hàng triệu xe để sửa. Thị trường ô tô cạnh tranh cực kỳ khốc liệt, các hãng xe phải đảm bảo chất lượng và tính năng ở một mức giá cực kỳ ngặt nghèo. Để có lãi họ dựa vào hai yêu tố chính: Tối ưu quá trình sản xuất và sản lượng lớn. Thế nên thị trường thế giới, chỉ có vài tay chơi chính và không có chỗ cho tay mơ.
Có người bảo sao Hàn quốc làm được. Thứ nhất họ làm được ở thời điểm sớm, khi vẫn còn chỗ để chen vào. Một kế hoạch bài bản và cực kỳ khẩn trương, họ cũng mất vài chục năm (trong thời gian này họ còn có thể bảo hộ thị trường nội địa). Cửa sổ cơ hội qua rồi. Thứ hai, sang Hàn Quốc sẽ thấy xe trên đường hơn 95% xe nội địa (riêng Hyundai and Kia chiếm 80%).
Tự sản xuất xe hơi như đâm đầu vào tường bê tông dày vài mét. Người không biết thì khen dũng cảm, người biết thì...
Nguồn lực là có hạn, nên tập trung vào những chỗ ít rủi ro, hợp với sở trường của mình. Ví dụ, cũng sản xuất xe, nhưng sản xuất xe tải hay xe buýt thì khả thi hơn. Hoặc tập trung vào công nghiệp phụ trợ. Cung cấp được linh kiện cho các hãng lớn đã là thành công vượt bậc. Quan trọng bao nhiêu giá trị gia tăng được đưa vào sản phẩm. Không quan trọng là sản phẩm gì, có hoành tráng hay không.
Xây dựng một công nghiệp thì cần phải có viễn kiến xây dựng một sinh quyển, với nhiều công ty, nhiều sản phẩm tương hỗ nhau. Các nhà làm chính sách phải nâng cao chất lượng chính sách và tiền chỉ là một phần của chính sách.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét