Thể loại

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2020

Làm Tiến Sỹ: Hỷ Nộ Ai Ố

Đọc bài duyên nợ với Hà Lan, TS Dũng, ông anh chung KU (Korea University), "đặt hàng" mình viết về hỷ nộ ai ố trong quá trình làm tiến sỹ để cho sinh viên đọc. Hứa trả bằng phở nên khó từ chối.

Quá trình làm tiến sỹ của mỗi người là khác nhau, phụ thuộc nhiều vào văn hoá và tính cách của người hướng dẫn, của nhóm làm việc, và của nước sở tại. Rồi còn tuỳ ngành tuỳ đề tài. Quan trọng hơn là phụ thuộc vào tính cách và nhân cách của nàng (hay chàng) nghiên cứu sinh. Thôi cứ kể chuyện của mình, coi như là một ví dụ. Cuối bài mình sẽ gắng rút ra một số bài học cốt lõi mà mình tin là tương đối phổ quát.

Làm TS thường phải trải qua đủ hỷ nộ ai ố như một bộ phim. Mới vào thì hồ hởi phấn khởi, làm một thời gian thấy mông lung, không biết bắt đầu cuốc ở đâu. Thử cuốc thì cuốc mãi, mà không thấy gì (có lúc mừng hụt) trong khi thời gian trôi nhanh, bắt đầu khủng hoảng bế tắc. Rồi đến một ngày, nhát cuốc bập đúng mạch, cứ thế hăng say cuốc lộ dần kho báu. Gần hết phim là gói gém cắt gọt thành quyền luận án. Cũng có người bập vào mạch nhanh, thường là đi theo mạch của mình hay ai đó đã làm trước hoặc đề tài có mục tiêu cực kỳ cụ thể. Có người cuối cùng lần không ra, nhưng thường là do không dồn hết tâm huyết hoặc không tỉnh táo uyển chuyển.

Đề tài của mình nằm trong dự án lớn của EU về thông tin quang, consortium có 17 trường, viện, và công ty, toàn tên tuổi lớn trong ngành. Mình được GS đưa cho proposal của dự án, bảo nhóm mình phải phụ trách một số mảng, mày thì chịu trách nhiệm đóng góp cho phần truy nhập quang đa bước sóng. Lời sấm truyền mơ hồ quá, không khác gì bảo mày vào khu rừng này (ít nhất chỉ ra cho mình khu rừng), tìm cho tao cái gì đó hay hay (tao cũng ko biết là gì) mà phải là cái chưa thằng nào tìm ra. Quá nhiều tự do lại là một vấn đề lớn. Rất may tính mình thích tự do, tự lần mò nên cũng không quá ngợp.

Thời nay làm nghiên cứu cũng dễ hơn, ngồi một chỗ có thể đọc tài liệu khắp nơi, dễ kiếm dễ lấy. IP của trường mình có thể vào tất cả các thư viện online lớn trên thế giới vì trường đã mua cả gói. Vừa đọc vừa ngẫm ngợi 6 tháng cũng chưa biết mình cần giải quyết cái gì, làm ở lớp vật lý hay lớp logic, tín hiệu dữ liệu hay điều khiển. GS thì bảo khi nào có kết quả thì lên trao đổi còn không thì thôi, tao rất bận. Ông daily supervisor gài vào cho đủ bộ chứ mình nhìn vào background là mình biết không giúp gì được (được cái ông này cũng biết thế nên để mình tự do). Hỏi loanh quanh mấy ông postdoc thì mỗi người nói một kiểu. Có bố người Anh còn bảo mày mà không viết được báo thì tao giúp. Mình nghe vậy biết vậy, chứ làm TS mà không nắm vận mệnh mình trong tay thì làm làm gì. Tuy thế mình học được của bố người Anh một võ rất hay. Đừng nghĩ gì to lớn cao siêu cả, muốn có báo rất dễ, cứ đặt ra một bài toán nhỏ xíu thôi, miễn là thú vị, rồi giải quyết nó. Cũng không nhất thiết là hẳn ở trong đề tài, quan trọng là tận dụng được cái sẵn có xung quanh. Mình làm một phát, có tí thí nghiệm lớp vật lý, được nhận ở hội nghị tầm trung. Sau mở rộng dần đăng được đến Journal, nhưng mới chỉ gọi là nổ tạch tạch tè tè. Nhưng nó quan trọng là giải quyết được vấn đề tâm lý và học dần cách viết.

Không thấy có giấy trắng mực đen nào nói về tiêu chuẩn tốt nghiệp, hỏi thì GS trả lời mà như không. Nhìn những gương đi trước thì thường cũng phải có ít nhất 2 đến 3 con journal đầu ngành, hội nghị đầu ngành 3 bài, hội nghị khác không tính. Có một trường hợp cả biệt chả có con journal cũng tốt nghiệp (hy vọng của tôi đây). Muốn có 2 Journal lúc tốt nghiệp (chỗ mình làm 4 năm), thì phải submit con đầu tiên muộn nhất là đầu năm thứ 3 vì review nhanh thì 3 tháng, lâu thì gần năm, mà chắc gì đã được accept.

Mình loanh quanh đến cuối năm thứ 2 mới submit con journal đầu tiên, nhưng cũng chỉ là lấy ngắn nuôi dài vì giải quyết mấy bài toán nhỏ mà chưa thấy vừa vào bức tranh lớn nào cả. Mình cứ nghĩ mãi, trong cái khu rừng này thì mọi người quan tâm đến vấn đề gì nhất. Tăng dung lượng nhiều thằng làm rồi, tăng khả năng tái cấu hình cũng nhiều thằng làm rồi. Nhìn đâu cũng thấy dấu chân. Thấy có le lói ở chỗ là mạng truy nhập thì giá thành không thể cao được. Thế nên mình tập trung giải quyết vấn đề giá thành, tăng dung lượng, tăng khả năng tái cấu trúc mà giá vẫn phải không đổi.

Ngẫm ngợi hơn năm trời, trong lúc vẫn làm thí nghiệm lấy ngắn nuôi dài, mà chưa có giải pháp gì đột phá. Đến một hôm trong lúc mơ màng trong nhà vệ sinh thì bật ra (thật thế). Nôm na là đường 10 làn xe, thông thường các xe đi làn nào cũng được, làn nào đông thì nhảy sang làn khác. Nhưng chuyển đổi bước sóng mà nhẩy hết tất cả các bước sóng thì bộ thu phát đắt quá. Mình đề ra nguyên tắc là các xe chỉ được di chuyển trong một số làn nhất định, rồi dồn xe dây chuyền thì hiệu quả cũng giống như được chạy tất cả các làn. Nhưng khoa học thì không nói khơi khơi thế được. Phải chứng minh định lượng. Dùng toán học thì mình cũng chứng minh được là nếu một xe chỉ được di chuyển giữa 2 làn thì hiểu quả đã đạt được phần lớn, di chuyển trong 3 làn thì hiệu quả có tăng nhưng tăng không nhiều. Đại khái là hiệu quả sẽ tiếp cận dần đến 100% theo hàm số mũ. Các nhóm xe được chia tối ưu cho nhóm này móc vào nhóm kia, mình đề ra khái niệm cyclic-linked flexibility. Nhưng lý thuyết toán với mô hình lý tưởng là vậy, nhưng kiến trúc mạng và linh kiện thực tế thì như thế nào? những thông số không lý tưởng sẽ ảnh hưởng ra sao?

GS mình bận, ông thấy mình tự lực được nên không bao giờ hỏi han, chỉ khi nào có kết quả, thậm chí viết thành báo rồi mới gửi cho ông. Chỉ đi hội nghị với đi họp dự án là hay có thời gian cùng nhau. Đi ăn toàn phải chia tiền có dịp mình sẽ kể sau. Có một cậu đồng nghiệp bị cho nghỉ giữa chừng vì 2 năm không ra kết quả gì. Cậu này lúc nào cũng trông chờ được hướng dẫn kiểu phải mớm ý tưởng cho để làm. Một hôm GS mình hỏi, mày biết TS có nghĩa là gì không? Mình lắc, ông bảo trở thành TS là trở thành là một nhà nghiên cứu độc lập. Phải độc lập trong phát hiện vấn đề và giải quyết vấn đề. Ý kiến người khác chỉ là tham khảo.

Mình mất gần 2 năm miệt mài xây dựng thí nghiệm, hệ thống trộn lẫn giữa tín hiệu thực tế và mô phỏng điều khiển. Xin mua linh kiện máy móc, ngồi viết code, debug với niềm tin là kết quả sẽ khẳng định những gì mình phán đoán. Đốt mất 2 con tunable laser giá 4000E một con, những thứ hỏng lặt vặt khác không kể. Ấy thế mà đến lúc chạy xong kết quả ra không khớp với kỳ vọng. Báo thì đã lên khuôn chỉ cần đặt đồ thị vào là đẹp. Lúc này đã giữa năm thứ 3, chạy đi chạy lại thí nghiệm mà kết quả vẫn không theo hướng mình muốn.  Thời gian thì sắp hết, xoay sang thí nghiệm khác thì không kịp. Tuyệt vọng!

Một tuần liền như người mất hồn, đi ăn trưa với mấy đứa NCS khác, nghe chúng nó cười nói mà tai mình cứ ù đặc, chân tay lạnh toát. Mất một tuần ngoài thẫn thờ trong bão tố. Mình bỏ ra bờ suối ngay chân toà nhà làm việc ngồi cả buổi chiều (chắc thiên hạ tưởng mình thất tình). Tại sao mình cứ phải cần kết quả theo ý mình phỏng đoán? Lùi một bước, tự dưng trời lại quang mây lại tạnh. Kết quả như thế thì mình sẽ kể một câu truyện khác, hấp dẫn không kém gì, đâu nhất thiết phải đi theo mạch truyện đã định từ trước. Thế là mình tự kéo mình khỏi vũng lầy. Nhìn từ góc mới, kết quả có được lại quá hay. Kết quả negative không có nghĩa là không có giá trị, thậm chí giá trị cao nếu biết cách "tán". Bắt tay vào viết con Journal lớn đầu tiên, cốt lõi của luận án TS sau này. Rất hiếm khi có bài báo nào chỉ có kết quả mô phỏng mà đăng được trên Journal of Lightwave Technology. Bởi vì báo của mình không nặng trình bày kết quả mà kể một câu chuyện hấp dẫn.

Sau phát đại bác, mình nổ thêm đôi bài nữa. Đến đầu năm thứ 4 hỏi dò GS xem đã được viết luận án chưa. Ông cũng chỉ ậm ừ, bảo mày còn thời gian chứ không bảo thiếu hay đủ. Mình kệ, cứ bắt đầu viết sớm bên cạnh việc làm thí nghiệm (và ngó nghiêng tìm việc). Viết luận án thì cũng là kể truyện nhưng là truyện dài kỳ. Những kết quả mình làm được, giờ phải xâu chuỗi làm sao. Mình xoay vần mãi mới nghĩ ra mạch truyện. Những cái lấy ngắn nuôi dài thì gài vào đâu cho liền mạch. Cũng không thể tham, có gì bày tất ra, phải cất bớt đi, cỗ mới đẹp. Viết xong cái mục lục, gửi GS xem, cụ không chê không khen, thế là ok rồi. GS mình hướng dẫn mà như không hướng dẫn mới tài. Tuy thế mục lục ban đầu vẫn còn phải tinh chỉnh nhiều trong suốt quá trình viết. Mình cũng rút kinh nghiệm từ trước nên những kết quả đo đạc phủ đầy đủ các trường hợp, phần lớn chưa dùng đến vẫn cất đấy. Chứ đến lúc viết mà thiếu kết quả đo đạc, chạy lại thí nghiệm sẽ rất mất công, thậm chí là không thể. Ra bản nháp đầu tiên mất 5 tháng, vân vê thêm 4 tháng nữa mới hoàn thành. Hội đồng thành phần từ 4 nước khác nhau có đủ 3 tháng để đọc và nhận xét. GS mình quan hệ rộng và tốt, nên ông ấy đã gật thì cả làng cùng gật.

Lấy được chân kinh, mình ngộ vài điều.

Mình ngộ ra rằng, dù là một bài báo khoa học, mình phải kể một câu chuyên trôi chảy, có đưa đẩy, có thắt có mở. Những kết quả đo đạc thí nghiệm chỉ là những bằng chứng và là một phần của câu chuyện. Sau này đi review nhiều, mình càng thấm thêm. GS mình viết báo, vấn đề có xíu nghe rất thần thánh mà không bị lố tí nào. Dẫn truyện ra sao, claim gì claim ở mức độ nào, phê phán người, phê phán mình thế nào, viết một câu sao cho thoát ý là cả một nghệ thuật. Cứ tìm mấy bài của những cây đại thụ trong ngành mà học cách họ viết. Người giỏi bao giờ cũng siêu trong cách diễn đạt. Một sai lầm hay gặp phải là anh cứ say đắm với thí nghiệm và kết quả của anh, thế gian hình như chỉ có mỗi nó, đến lúc viết báo thì cứ lấy nó làm trung tâm. Làm thế cũng ra báo nhưng thí nghiệm và kết quả của anh phải rất mạnh hoặc báo letter 3 trang. Hơn nữa như thế rất "tốn" kết quả, dùng vừa còn dành viết bài khác.

Đọc vừa đủ, đọc quá nhiều làm đầu óc mình bị dính vào những lối mà người khác đã đi. Tốt nhất là đọc những bài ở Journal và hội nghị đầu ngành. Đọc để lấy big picture rồi mình tự nghĩ, rồi lại đọc, rồi lại nghĩ. Cũng không nên hoảng hốt vì cái gì mình định làm tra một lúc lại thấy có thằng làm rồi. Như thế có nghĩa là mình nghĩ đúng đấy, chỉ là sinh sau đẻ muộn thôi. Mà đừng tin hết những gì thằng khác viết. Luôn đặt câu hỏi.

Mình phải là người làm chủ con đường mình đi. Tất cả những lời người khác nói chỉ là giúp đỡ, tham khảo, kể cả GS. GS giỏi bao giờ cũng rất vui nếu trò chủ động và thậm chí không "nghe lời" mình nhưng biết cách giải thích. Tất nhiên điều này không có nghĩa là mình không cần đến ai cả.

Trong quá trình làm thì nên gần gũi thân thiện với mọi người, trong nhóm ngoài nhóm. Có những cuộc nói chuyện vu vơ bên cốc cà phê mà ra vấn đề. Nói qua nói lại, nhiều khi bật ra những ý hay. Trong thí nghiệm mình đang dựng, mình cần điều khiển bật tắt cực nhanh con chip khuyếch đại quang. Chưa biết làm thế nào. Đi mua mạch có sẵn thì không có, tự thiết kế hoặc nhờ thiết kế thì đến bao giờ. Nói chuyện vu vơ với ông GS khác trong nhóm, ông bảo tao có cái mày cần. Rồi mình làm thí nghiệm thì cần linh kiện, thiết bị, đến lúc deadline thì ai cũng cần. Quan hệ tốt là một chuyện, những cũng cần phải có qua có lại. "Kho" của mình có một số món độc mà thiên hạ cần. Trong nhóm mình có mấy cậu người Tàu, tạo thành một nhóm kín đưa linh kiện, thiết bị cho nhau. Mọi người biết thế hay kêu. Mình chả kêu, mình chơi luôn với mấy ông Tàu. Mình chả ghét ai đâm ai cũng quý. Mình giúp nhiều người vô tư, đến lúc cần lúc nào cũng có người sẵn sàng giúp. Quan hệ tốt quan trọng lắm, cho công việc và cho cả việc mở rộng hiểu biết cuộc sống và các văn hoá khác nhau.

Làm TS, đi hội nghị là vui nhất, nhóm mình hội nghị đầu ngành mà được accept là nghiễm nhiên được đi. Muốn đi chơi Mỹ thì cứ chịu khó có bài là đi. Đi hội nghị tranh thủ đi chơi những vẫn không quên nhiệm vụ. Mà hội nghị chủ yếu là để gặp và trao đổi chứ còn đọc bài báo thì ở nhà đọc vào hơn. Vượt qua ngại ngùng, mình thấy cần là hỏi. GS mình cũng hay hỏi, nhiều lúc thầy trò thay nhau chiếm mic. GS mình có tiếng trong ngành nhưng vẫn hỏi nhiều câu nghe thì "ngô nghê" nhưng chả vấn đề gì, thực ra nó xoáy vào những cái mà mọi người không nghĩ đến. Poster presentation cũng là chỗ tốt để trao đổi, có nhiều cái hay bật ra từ những cuộc trò truyện như vậy. Nhiều khi đi hội nghị về, thấy mình sao lười và nghĩ hẹp thế, bắt đầu có cảm giác "sense of urgency", thế là có động lực thức khuya dậy sớm.

Trong lúc khủng hoảng, mình đã phải đấu tranh rất nhiều. Chỉ cần đổi vài thông số đầu vào, nắn đường cong một chút là mình có kết quả đẹp như mơ ngay. Hay mình làm thế nhỉ? Đó cũng là một lối thoát. Cái khôn lỏi trong anh chàng người Việt cứ tỉ tê, bước đường cùng rồi nhích đi, chỉ mình biết và cái máy tính biết. Nhưng trong lúc cùng quẫn nhất, mình nhớ lại những gì các thầy đã dạy, GS Hân, GS Park, GS Koonen, rồi cả bố mình (đời mình may gặp toàn sư phụ tốt). Khoa học kị nhất gian dối, anh có thể có một bài báo đẹp nhưng anh sẽ không bao giờ xây dựng được một hệ thống chạy thật. Ừ thì anh chỉ cần báo để tốt nghiệp, nhưng anh đã đánh mất tư chất của một nhà khoa học, thì sau nay anh sẽ trượt dài theo nó. Trung thực mà vẫn tìm ra lối thoát sẽ làm anh trưởng thành hơn, đừng từ bỏ dễ dàng. Giữ được niềm tin trong lúc mọi thứ chống lại nó mới thật sự gọi là giữ. Con đường đó sẽ nhiều chông gai, dường như vượt quá khả năng của anh, nhưng khi vượt qua được sẽ có nhiều hoa thơm trái ngọt và nó bền vững. Quan trọng hơn là anh vượt qua được chính mình và thoát ra với một bản ngã hoàn thiện hơn. Còn gì hạnh phúc hơn những giây phút như vậy. Mình càng thấm thía tại sao cuối lễ bảo vệ ở Hà Lan, chủ tịch hội đồng luôn có một bài dài nhắc nhở với tân TS về sự chính trực (integrity).

Lấy được kinh

10 nhận xét:

  1. Em chào anh, bài viết rất hay ạ! E cũng đang làm NCS ở Đức và đang thấm thía hic, anh đang ở đâu ạ?

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn anh, em cũng đang bước vào con đường làm TS ở Nhật. Đúng là càng đọc thì mới thấy ở đâu cũng có dấu chân của thiên hạ, rồi lại nản, rồi lại tìm ý tưởng.
    Mình chỉ quen làm thực nghiệm, GS lại phán mày phải phát triển mô hình dự đoán. Nếu tìm không ra thì khỏi tốt nghiệp. Mà GS cũng chỉ phán vậy nhưng không có hướng dẫn gì thêm vì chăc anh ấy cũng không rõ.
    Đọc bài của anh em mới thấy mình đang đi vào con đường mà anh đã trãi nghiệm, trong 1 tháng nay, em suy nghĩ mãi, không lẽ về VN trong hèn nhát, bỏ cuộc.
    Phải tiếp tục cố gắng và cố gắng hơn nữa, chắc không trông chờ gì được vào GS rồi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là sẽ có lúc nản muốn bỏ cuộc mà dân thực nghiệm mà lại phải dính đến toán là rất nhọc. Anh nghĩ em nên từng bước một, chọn một cái nhỏ để ra kết quả có báo đã. Nhiều lúc phải thuyết phục GS bằng những kết quả cụ thể. Trăn trở nhiều nó mới bật ra được. Tất nhiên đến một lúc nào đó mà mình thấy cái môi trường thật sự ko phù hợp thì phải tìm cách nhẩy sang chỗ mới, chỉ có điều đừng bỏ cuộc dễ dàng, sang chỗ mới chưa chắc đã hơn. Nếu dễ dàng thì có gì đáng kể phải ko?

      Xóa
  3. Bài viết quá hay. Có thể là do bản thân em cũng tìm thấy mình trong đó. Em đang ở giai đoạn mơ màng tự set up thí nghiệm, tuy không phải ra ngồi bờ suối, nhưng cũng phải thơ thẩn khắp nơi để suy nghĩ về điều thực sự mình muốn làm. Cũng đọc chán chê rồi cụt hứng vì họ làm hết rồi, nhưng rồi ý tưởng lại ùa về khi đang mông lung, rồi cũng dần dần định hình rõ con đường mình cần đi. Dù là hơi muộn nhưng em thực sự trân trọng quãng thời gian nghiên cứu này vì bản thân em đã trưởng thành hơn rất nhiều.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh chỉ nói hộ những người khác thô. Nếu có đường vạch sẵn thì đâu gọi là làm TS, trải qua sẽ làm mình trưởng thành hơn. Cứ đi từng bước nhỏ một nếu chưa có định hướng rõ ràng, làm cái gì nhỏ nhỏ hay hay ra kết quả nhanh.

      Xóa
  4. Em cảm ơn anh :) Toàn bài là những kinh nghiệm thiệt quý giá, em thích nhất là đoạn cuối vì em hiểu việc vượt qua được cái khó khăn lúc đó (đặc biệt là cái bản ngã như anh nói) để giữ sự trung thực không đơn giản chút nào, em chúc mừng anh vì anh đã vượt lên "chính mình" ở thời điểm đó. Em cũng mừng cho anh khi may mắn có được những người Thầy thực sự truyền lại điều đáng quý trong đạo đức khoa học mà cũng là hành trang cho mình trong đời sống :) Mong rằng anh sẽ luôn giữ gìn và truyền lại điều này cho thế hệ sau ạ ^^

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn em, vượt qua chính mình bao giờ cũng là khó nhất. Ai cũng có phần "ác", đừng để nó dẫn dắt mình là được.

      Xóa
  5. Bài viết của anh hay quá ạ. Cảm ơn anh. E cũng đã xong PhD rồi con đường cũng qua nhiều hỉ nộ ái ố tuy mỗi người một trải nghiệm khác do nhiều biến số như anh thống kê. Đoạn cuối có phần "integrity" thì em thấy có 1 vấn nạn khác đặc biệt trong các nhà khoa học VN, đó là có những người đã có học hàm học vị PGS rồi, làm chức cũng to to của 1 viện hàn lâm hẳn hoi, không tham gia bất kì gì vào chuyên môn bài báo của sinh viên, chỉ recommend sinh viên cho 1 tổ chức funding (chương trình sandwich nên cần 1 PhD bên VN, và recommendation letter thì cũng bảo sinh viên viết sẵn vì bận). Thi thoảng lại hỏi sinh viên sắp có báo chưa (liên hệ qua email vì sv làm ở nước ngoài). Khi có báo thì gây sức ép yêu cầu sinh viên đã đc nhận học bổng đó cho tên vào bài báo (vì giúp đỡ recommendaion letter ở trên), mà không chịu chỉ cho vào Acknowledgement. Có lẽ vì vậy mà nền KH VN vẫn cứ mãi lẹt đẹt anh ạ.

    Trả lờiXóa
  6. Cảm ơn anh về bài viết đã giúp em tường tỏa nhiều điều cho con đường nghiên cứu trước mắt. Chúc anh sức khỏe.

    Trả lờiXóa