Làm nghiên cứu phát triển ở công ty, cho tôi cách nhìn của một "con buôn", mọi thứ đều là một thương vụ (everything is a business case).
Mô hình xuất bản báo truyền thống là người đọc phải trả tiền, trả qua từng bài báo hay thuê bao. Thông thường các trường, viện nghiên cứu, và công ty lớn ở các nước phát triển đều trả tiền thuê bao hàng năm cho các thư viện lớn. Máy tính từ mạng nội bộ của các tổ chức này sẽ được quyền truy cập vào kho thư viện. Những trường viện và công ty tôi từng làm việc kể cả Panasonic R&D ở Việt Nam đều có thể truy cập IEEE Explorer, là một thư viện lớn tập trung hầu hết tờ báo uy tín trong ngành điện điện tử. Phí thuê bao là nguồn thu nhập chính của các báo khoa học, nó đến từ nguồn chi thường xuyên của các tổ chức nghiên cứu. Trong một thời gian dài đến đầu những năm 2000. Các tổ chức rất rộng rãi trong việc thuê bao, nhưng khi có khủng hoảng kinh tế, mọi chí phí đều bị cắt giảm. Chỉ có thuê bao với những thư viện uy tín là được giữ lại, còn lại bị cắt hết. Các tờ báo kém uy tín phải tìm cách thay đổi mô hình kinh doanh, nếu không sẽ chết.
Mô hình truy cập mở (open access) được ra đời từ khá lâu, với mục tiêu ban đầu rất trong sáng là muốn phá bỏ rào cản (trả tiền để truy nhập) trong việc tiếp cận kiến thức. Ban đầu mô hình này được phát triển khá khiêm tốn nhưng nở rộ mạnh mẽ trong chục năm trở lại đây. Nhiều người đã nhận ra đây là một mô hình kiếm tiền rất tốt. Thay bởi vì người đọc phải trả tiền thì người đăng phải trả tiền. Thay vì hút tiền từ ngân quỹ chi thường xuyên đang teo dần thì cái vòi hút chọc trực tiếp vào ngân quỹ của các đề tài khoa học (tác giả không ai bỏ tiền túi ra mà đều lấy từ ngân quỹ của các dự án). Mà ngân quỹ của các dự án khoa học, nhất là các dự án được ngân sách nhà nước tài trợ, rất lớn và tăng rất nhanh, nhất là ở các nước đang phát triển mạnh.
Đấy mới chỉ là bên vế cung, vế cầu cũng phải lớn thì mô hình này mới phát triển mạnh như vậy. Những nước chập chững làm khoa học đều dựa nhiều vào số lượng bài báo để đánh giá thành công của đề tài khoa học có nguồn tài trợ công. Thế là nhà nhà người người tìm cách đăng báo, nhanh nhiều tốt rẻ. Có nhiều báo là dự án thành công, có nhiều báo là có học hàm học vị, có nhiều báo là sẽ nhận được nhiều tài trợ hơn, quá nhiều cái lợi. Mục đích tối hậu của dự án là có báo đăng? Thế nên có cầu ắt có cung, nhiều tờ báo săn mồi ra đời.
Chưa tính đến những tờ báo mang những tên lạ hoắc. Thử nhìn vào những chỗ rất uy tín như Nature Communications của Springer, đặt một vài phép tính nhanh để thấy lợi nhuận ra sao. Đăng một bài báo ở đây khoảng $4000, năm 2019 có tổng cộng 55233 bài, doanh thu như vậy là khoảng $220 triệu. Chi phí để vận hành bộ máy thì không đáng là bao, thuê vài máy chủ là đủ hạ tầng, reviewers thì thường là tình nguyện, chi phí lớn nhất là trả những mức lương khủng cho ban điều hành. Mô hình kinh doanh siêu lợi nhuận. Thế nên có những nhà xuất bản lạ hoắc cũng kiếm ăn theo cách dù không bộn tiền như Springer. Do đó đã có nhiều lời kêu gọi tẩy chay open access.
Nhiều công ty cấm đăng báo ở open access và nhiều trường viện lớn đều không khuyến khích. Thực tế mỗi ngành đều có một vài tờ báo đầu ngành. Nếu ông nào nghiên cứu nghiêm túc, có chất lượng thì cứ chỗ đấy mà đăng việc gì phải đăng ở open access cho tốn tiền. Chả phải lý luận loanh quanh, chẳng qua là những chỗ đấy nộp nó mới nhận, nó nhận bài để lấy tiền thì nó chối làm gì. Đó là logic lợi ích hiển nhiên.
Thế nên những thư mời đăng báo từ nhà xuất bản lạ hoắc là tôi cho vào ngay spam, thư mời review hay làm editor cho open access lạ là tôi cũng reject luôn, không tiếp tay.
Cũng phải nói cho công bằng là vẫn có những tờ open access nghiêm chỉnh, muốn biết nghiêm chỉnh hay không thì xem có hiệp hội nghề nghiệp uy tín nào đứng đằng sau, ai trong ban editors, ai đăng báo ở đấy, chất lượng bài đã đăng thế nào, thu phí thế nào, có hoạt động phi lợi nhuận không, v.v.
Với những bạn mới làm khoa học, các bạn bỏ chút thời gian để đặt câu hỏi và trả lời thành thật với chính mình "Đăng báo để làm gì? Why?". Nếu có nguỵ biện thì xin nguỵ biện với người khác, đừng nguỵ biện với chính mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét